Ông Vũ trò chuyện với các em học sinh sau bữa ăn - Ảnh: B.Châu Sau khi ăn xong, các em lần lượt gọi nhau lên lầu... Ngủ trưa. Hơn một năm nay, 20 chiếcgiường tầngở nhà ông Vũ đã dành hẳn cho học sinh ngủ trưa miễn phí như thế. Mỗi tầng lầu nhà ông Vũ rộng khoảng 50m², lắp cửa sổ chớp cẩn thận và sàn được lót gạch trắng sạch sẽ. Dù giữa trưa nắng gắt nhưng gió vẫn thổi vào lồng lộng, phòng rất thoáng mát và tràn ngập ánh sáng. Nửa diện tích phòng dùng để đặt giường tầng và phần còn lại dành cho các em thích ngủ dưới đất trải chiếu nằm. Cứ ăn cơm xong, học sinh lại tíu tít gọi nhau lên các tầng lầu và “yên vị” nhanh chóng ở chỗ ngủ thân quen. Giường tầng do nhà ông Vũ tự đóng (ông Vũ trước đây làm việc tại một công ty sản xuất gỗ xuất khẩu) nên ông đã quyết định ghép giường lại để diện tích nằm rộng hơn bình thường một chút “vì tụi nhỏ thích ngủ theo nhóm, dễ nói chuyện với nhau, nằm một mình cũng buồn” - ông cho biết. Góc này có em nằm chăm chú đọc truyện, góc kia vài em tranh thủ chuẩn bị bài, ôn bài buổi chiều, còn phần lớn đều ngủ ngon lành, lấy sức học tiếp năm tiết nữa. Mỗi tầng lầu đều được trang bị đầy đủ ba nhà vệ sinh và ba bồn rửa mặt sạch sẽ, có cả gương để các em chỉnh sửa trang phục chỉnh tề trước khi đến lớp. Ngay cả ở tầng trệt bán cơm, ông Vũ cũng tranh thủ kê thêm một giường tầng và một cái võng để các em “ham vui” có thể vừa ngồi vừa nằm trò chuyện với nhau, không làm ồn các bạn ngủ. Tất cả đều hoàn toàn miễn phí. Ông Vũ kể lại: “Hồi trước quán cũng nhỏ lắm, khi nhà xây thêm phòng, ý định của tui là sẽ cho thuê. Nhưng sau đợt làm Tiếp sức mùa thi, phục vụ nhiều học trò dưới tỉnh lên thi đại học, cả nhà ai cũng thấy vui. Bởi vậy tui quyết định để riêng mấy phòng này cho tụi nhỏ ngủ trưa luôn. Học trò bây giờ học nhiều, có chỗ ngủ cũng đỡ mệt”. Việc có được một chỗ ngủ trưa đặc biệt như thế làm các em học sinh Trường THPT Thủ Đức rất thích thú. Em Phạm Thị Thúy Vân (lớp 10) cho biết: “Trưa nào em cũng ra đây, được ngủ trưa tụi em mừng lắm, vừa mát vừa thoải mái, chiều vô học tập trung hơn, nhất là tiết 1, tiết 2, hai tiết rất dễ ngủ gục trong lớp”. Được biết nhà Vân ở quận 9, cách trường gần 10 cây số, không có người đưa rước nên nếu không có quán cơm “giường tầng” này, em buộc phải ở lại trường. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều học sinh vì việc học hai buổi/ngày khiến các em rất khó khăn để tìm phương tiện về nhà và quay lại trường chỉ trong hai giờ nghỉ trưa. Một số gia đình còn gửi hẳn con vào nhà ông Vũ, ví dụ như hai chị em Anh Phương và Anh Duy. Phương học ở Trường THPT Thủ Đức, còn Duy học ở Trường tiểu học Lương Thế Vinh, trưa nào hai chị em cũng ngủ lại ở nhà “bố” Vũ. Đến khoảng 13g thì mẹ của hai em (làm việc tại quận 1) mới đến đón Duy về nhà, Phương thì vào trường học. Mẹ của hai em cho biết: “Lúc đầu bé chị ngủ thôi, tôi thấy cũng an toàn, đỡ lo lắng con đi về xe cộ nguy hiểm. Sau đó gửi luôn bé em ở đây, mình có đi làm về trễ cũng không lo con bị đói hoặc bơ vơ ở trường, không ngủ nghê gì được”.
Không chỉ giấc ngủ, ngay cả bữa ăn cho các em cũng được ông Vũ rất chăm chút. Mỗi phần cơm lúc nào cũng đầy đủ các món mặn, xào, canh với mức giá chỉ 17.000-20.000 đồng. Cơm thêm, tráng miệng, nước uống là... Vô tư, không tính tiền. Huỳnh Anh Thư (lớp 12) hào hứng: “Trước giờ em không bao giờ ăn canh, canh ở đâu cũng toàn nước lõng bõng. Nhưng từ khi ăn cơm ở nhà bố Vũ em đã biết ăn canh vì canh lúc nào cũng đậm đà, đủ rau đủ thịt”. Nhà chỉ có ba người cùng nhau bán, không thuê người ngoài nên ông Vũ cũng thay đổi luôn cả cách thức bán sang tự phục vụ. Các em học sinh vào là biết tự giác lấy khay, múc cơm rồi đến nhận thức ăn. Nhiều em khi đã thành “khách quen” thì xắn tay phụ vợ chồng ông bán luôn, ríu rít ồn ào suốt giờ ăn trưa. Dần dà, ông Vũ thuộc mặt thuộc tên gần hết các khách của mình. Mỗi ngày, cứ rảnh lúc nào là ông lại kéo ghế trò chuyện thân tình với các em, đến mức biết cả hoàn cảnh và sinh nhật của từng em. &Ldquo;Bạn nào có hoàn cảnh khó khăn thì bố Vũ sẽ cho nhiều đồ ăn hơn, còn tới sinh nhật thì bố Vũ sẽ cho ăn miễn phí một bữa, bao nhiêu cũng được” - Lý Thiên Thoại (học sinh lớp 10) kể lại. Có lẽ vì thế mà ở quán cơm này các em có một thói quen rất đặc biệt, đó là em nào khi ra khỏi quán cũng đều khoanh tay cúi chào ông Vũ: “Thưa chú con đi học”, “Thưa bố con đi” như người trong nhà. &Ldquo;Bữa nào quán đông là tui gật đầu chào mấy đứa nhỏ mỏi cổ luôn, bà xã nói chắc in hình tui đang giơ tay chào lên tấm bìa cactông cho khỏe” - ông Vũ cười hết cỡ cho biết. Khi học trò đã vào trường hết, hai vợ chồng ông và em gái lại cặm cụi dọn dẹp, ngồi rửa từng chồng chén đĩa cao ngất ngưởng ngoài sàn nước, quét dọn, lau chùi sạch sẽ từng tầng lầu. Bất chợt, trời sầm sập đổ mưa, ông Vũ lại lật đật rửa tay, tất tả chạy đi đóng cửa sổ vì “ngày mai lỡ giường ướt, sàn ướt tụi nhỏ không ngủ được”. ĐOÀN BẢO CHÂU |
0 nhận xét:
Post a Comment